Đúng là du khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu trung bình ít hơn so với các nước khác trong khu vực nhưng theo tôi điều này không liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, tuy nhiên có một số ảnh hưởng nhất định.
Lý do chính của mức chi tiêu trung bình thấp hơn là do có nhiều du khách quốc tế đến từ châu Á là những khách đi du lịch theo nhóm. Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 30% số lượt khách đến và nhiều người trong số này tham gia các “tour du lịch không đồng” và gần như không chi tiêu gì trong nước. Hơn 20% đến từ Hàn Quốc và chi tiêu trung bình ít hơn 100 USD mỗi ngày…
Để đạt được mục tiêu của Việt Nam là mức chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế là 1.100 USD vào năm 2020, Việt Nam cần đa dạng khách quốc tế đến, nhắm vào thị trường ở xa hơn để có được những du khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn như Úc, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ và các nước phát triển ở Châu Âu. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với nhiều lựa chọn hơn cho gia đình tất nhiên sẽ giúp ích cho vấn đề này.
Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB)
Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đều là những thành phố phát triển du lịch hàng đầu của Việt Nam, nhưng ông vẫn đánh giá là vẫn thiếu cơ sở hạ tầng, cung chưa đáp ứng cầu. Xin ông nói cụ thể hơn về điều này?
Một mặt, chúng ta phải nhận ra sự cải thiện đáng kể nguồn cung du lịch ở hầu hết các thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Nhưng tôi cho rằng cần nguồn cung nhiều hơn nữa để thu hút các nhóm khách gia đình và quan trọng là những du khách quay trở lại, điều mà Việt Nam phải phấn đấu để thực hiện. Chẳng hạn, gần 70% du khách đến Thái Lan là những khách quay trở lại, đây là một trong những nguyên nhân họ đã đạt được lượng du khách quốc tế đến cao và ổn định như vậy.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nhìn xung quanh khu vực và những nơi bên ngoài khu vực để học hỏi những điểm tham quan làm cho thành phố của họ trở nên nổi tiếng với khách du lịch (cả trong và ngoài nước).
TP.HCM đã bỏ lỡ một cơ hội lớn trong việc tạo ra một khu vực bờ sông có khu dân cư, bán lẻ và những điều thú vị cho du khách, người dân địa phương để làm. Nếu để ý các bạn sẽ thấy một trung tâm hội nghị đã được xuất hiện ở hầu hết các thành phố bên bờ sông như Sydney (Úc), Liverpool (Anh), Vancouver (Canada), San Francisco (Mỹ) ...
Các điểm tham quan khác có thể là công viên động vật hoang dã, công viên thủy cung, công viên giải trí (tất cả đều phổ biến với các gia đình). Các tour đi bộ giới thiệu lịch sử của các thành phố cũng rất phổ biến.
Nếu Việt Nam không tập trung vào việc thu hút các gia đình và giới thiệu những điều thú vị cho tất cả các loại du khách thì sẽ bị mất khách cho các thành phố khác trong khu vực và chắc chắn là mất nguồn du khách quay trở lại.
Chúng ta đã có sự tăng trưởng tuyệt vời về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong vài năm qua và Việt Nam đã tăng từ 6 triệu đến 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong vòng chưa đầy 10 năm, trong khi Thái Lan phải mất 25 năm để đạt được sự phát triển tương tự. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cải thiện các sản phẩm du lịch và chất lượng của dịch vụ, sẽ không thể thu hút được đối tượng khách du lịch chi tiêu cao hơn và các du khách quay trở lại. Và cũng có nghĩa là chúng ta không thể đạt được mục tiêu đã đặt ra là phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm.
Hiện nay có nhiều loại hình du lịch tồn tại, như: du lịch chữa bệnh, du lịch golf, du lịch văn hóa, v.v... Du lịch chữa bệnh rất phổ biến và Việt Nam có những nơi tốt để phát triển bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế với các bác sĩ chữa bệnh và bác sĩ phẫu thuật có trình độ quốc tế. Điều này không chỉ giúp mang lại nguồn du khách nước ngoài mà còn giúp phát triển các cơ sở chất lượng cao cho tầng lớp trung lưu mới nổi.
Theo kinh nghiệm của ông, có giải pháp nào để cải thiện tình trạng này cho các thành phố du lịch lớn, để du khách lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần?
Như đã nói, cách để giữ du khách lâu hơn là cung cấp dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng, giảm sự phụ thuộc vào các nhóm du lịch chi phí thấp, và cung cấp các điểm tham quan, giải trí nhằm để du khách có lý do ở lại lâu hơn và quay trở lại, đồng thời thực sự tận dụng sự hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam.
Trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, các tính toán chỉ ra rằng, các điểm vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm… kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn so với chi phí vé máy bay hay phòng ở. Việt Nam cũng đã có một số khu/điểm vui chơi quy mô, tầm cỡ quốc tế như: Bà Nà Hills ở Đà Nẵng, Halong Complex ở Hạ Long, Fansipan Legend ở Lào Cai hay Vinpearl Land ở Nha Trang… Ông đánh giá thế nào về đóng góp của những điểm đến này với du lịch Việt Nam?
Đúng là các điểm vui chơi, giải trí và mua sắm sẽ kích thích chi tiêu của du khách và cũng đúng là các cơ sở như Bà Nà Hills, Fansipan Legend đã đóng góp rất lớn cho lĩnh vực du lịch và chúng ta cần nhiều hơn nữa những cơ sở như vậy.
Chúng ta cũng cần các trung tâm dịch vụ và mua sắm phục vụ cho tất cả các mức chi tiêu mà không chỉ cho đối tượng cao cấp, tương tự như các trung tâm mua sắm ở Bangkok, phục vụ cho tất cả các loại khách du lịch.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi trực tiếp, chúng ta cần nhiều thứ hơn, nhiều dịch vụ hơn ở các điểm đến để phục vụ cho tất cả các đối tượng khách và khuyến khích mọi du khách quay trở lại Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!