(Dân trí) - Thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển nhanh, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê có xu hướng tăng, đặc biệt tại khu công nghiệp TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng tăng trung bình từ 13% đến 26%.
Giá thuê tại khu công nghiệp tăng
Thị trường bất động sản công nghiệp quý gần đây được các đơn vị nghiên cứu đánh giá có nhiều chuyển biến khởi sắc. Thị trường này tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, phần đông đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc).
Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp công bố bởi SSI Research đưa ra góc nhìn tích cực về lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp trong nửa cuối năm nay cũng như năm 2023.
Theo đó, nửa cuối năm nay, nhóm nghiên cứu kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ vào hai yếu tố chính: Một là nhu cầu đất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa; hai là giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8 - 20% so với cùng kỳ, tùy khu vực.
Theo hãng quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Colliers, bất động sản công nghiệp là một trong hai phân khúc dẫn đầu về số lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm của châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng đặt hàng tìm kiếm địa điểm thuê trong khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ quý II.
Đơn vị này ghi nhận, tại các khu công nghiệp thuộc 3 thị trường trọng điểm là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, giá thuê trung bình trong quý II đã tăng lần lượt là 26%, 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam hiện có 291 khu công nghiệp đang hoạt động và 106 khu công nghiệp đang hình thành. Theo Tổng quy hoạch phát triển khu công nghiệp quốc gia đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm 267 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp vận hành lên 558 - tương ứng 205.800 ha đất công nghiệp, tạo thêm 7 - 8 triệu việc làm cho lao động trực tiếp.
Tiềm năng tăng giá vẫn lớn
Colliers dự báo, xét trên bình diện khu vực, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều điều kiện ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân vào khoảng 7 - 10%/năm.
Về nhu cầu thuê đất khu công nghiệp, SSI Research dự báo, sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý như, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục. Các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp đang có đà tăng trưởng tốt, bởi việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đang tăng. Đặc biệt, trong 3 năm qua, mặc dù vốn đăng ký có thể giảm nhưng vốn đầu tư công, vốn giải ngân vẫn tăng, vì thế trở thành yếu tố thúc đẩy bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng mạnh.
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, nhờ sự tăng trưởng nhanh nên giá bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này cũng có thể trở thành một trong những lực cản đối với nền kinh tế của đất nước, bởi giá tăng cao thì chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí sử dụng đất hay chi phí thuê đất, sản xuất cũng tăng cao.
"Chi phí đất đai chiếm mất một phần lớn rồi nên sẽ khó khăn cho tăng trưởng và phát triển. Các địa phương, tỉnh thành cần chuẩn bị tốt các quỹ đất sạch để phát triển các khu công nghiệp. Đây là một trong những việc làm cần thiết để thu hút các đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng và thu hút đầu tư trong nước nói chung vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế Việt Nam", ông Thịnh nói.
Nguồn: Báo điện tủ dân trí.