Nếu như năm 2014, Thủ đô Hà Nội chỉ đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì tới năm 2018 đã vươn lên vị trí thứ 9, lần đầu lọt top 10. Điều này có được là nhờ “cuộc chạy đua” cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành trong cả nước.
Nỗ lực cải thiện
Nhìn vào kết quả của PCI những năm gần đây, có thể thấy, chỉ số PCI của Hà Nội trong 6 năm qua đã tăng liên tiếp, tăng tới 41 bậc, từ vị trí 51 của năm 2012, tăng tới 18 bậc lên vị trí thứ 33 vào năm 2012. Sau đó, năm 2014 và 2015, Hà Nội tiếp tục vươn lên vị trí 26 và 24 trong bảng xếp hạng. Nhưng tới năm 2016 và 2017, Hà Nội đã tăng 10 bậc để tiến lên vị trí thứ 14 và 13. Chính nhờ nỗ lực của toàn Thành phố, trong bảng xếp hạng PCI 2018, Hà Nội đạt 65,4 điểm, hoàn thành chỉ tiêu lọt vào top 10 trước 2 năm mà Thành phố đặt ra.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội đã vượt khỏi nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu" để tiến lên phía trước, góp phần trở thành "đầu tàu" phát triển kinh tế của cả nước.
Bên cạnh đó, nhìn vào điểm các chỉ số thành phần của Hà Nội, có thể thấy được những nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Ví dụ, sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai việc đăng ký kinh doanh qua mạng, 100% hồ sơ đăng ký DN đã được thực hiện; thậm chí, Hà Nội còn miễn 100% lệ phí đăng ký DN từ 1/1/2017 đối với DN nộp hồ sơ qua mạng; với DN nhỏ và vừa thành lập mới, Hà Nội cũng hỗ trợ phí công bố đăng ký DN 300.000 đồng/DN; hỗ trợ kinh phí làm con dấu tối đa 300.000 đồng/DN; hỗ trợ kinh phí chuyển phát kết quả tại nhà, trụ sở DN... Do vậy, báo cáo PCI 2018 cho thấy, chỉ số gia nhập thị trường của Thủ đô đã đạt 8,2 điểm, tăng cao từ mức điểm 6,72 của năm 2017, đứng thứ 6/63 địa phương.
Nói cụ thể hơn về đánh giá của DN, theo báo cáo PCI 2018, Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký DN. Có 71% DN tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%). Tỷ lệ DN phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó xuống còn 5% trong năm vừa qua. 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại DN ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của DN đã có kênh giải toả khá hiệu quả. Nhờ đó, 67% DN cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%); 87% DN hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017).
Được sự đồng thuận từ DN
Theo ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành Thành phố. Để có được mức độ hài lòng nêu trên, Hà Nội đã chuyển đổi sang dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 55%, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ DN kê khai thuế qua mạng đạt 98,4%... Hơn nữa, Hà Nội cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN, chú trọng DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN khởi nghiệp, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển của Thành phố, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại… Ngoài ra, Hà Nội còn học tập các mô hình của tỉnh bạn như: Cà phê doanh nhân, gặp gỡ DN…; thường xuyên trao đổi và giải đáp khó khăn của DN về thuế, đất đai, hải quan…
Nhận xét thêm về những cải thiện này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, ngay khi có các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, cả hệ thống chính trị Thủ đô đã vào cuộc, ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa. Năm 2017, Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử của công chức, giúp tăng niềm tin với DN và nhà đầu tư. Sau đó, Hà Nội đã liên tục cắt giảm thủ tục hành chính, ví dụ như thủ tục đăng ký DN trước mất 15-30 ngày, giờ chỉ còn 1 ngày. Hà Nội cũng chủ động cung cấp các thông tin, dự án để kêu gọi nhà đầu tư; tăng cường liên kết với các địa phương, các nước trên thế giới để giúp nâng cao khả năng phân phối hàng hóa, sản phẩm của DN. Ngoài ra, các thủ tục, chi phí đều được các sở, ngành, quận, huyện công khai minh bạch, hạn chế cách làm việc trực tiếp giữa DN với chính quyền thông qua giải pháp trực tuyến, giúp chi phí không chính thức của DN giảm hẳn… Đồng quan điểm, theo ông Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Am, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện và đang dẫn đầu cả nước về việc đăng ký DN trực tuyến. Việc Hà Nội áp dụng những công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính là điều rất quan trọng, cũng là xu thế chung giúp đơn giản hóa thủ tục, tạo hiệu quả, tránh gây phiền hà cho người dân, DN.
Tuy nhiên, dư địa để Hà Nội cải cách còn rất nhiều bởi phải đạt hơn 35 điểm nữa mới đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN; khoảng cách với quán quân Quảng Ninh còn khá xa (Quảng Ninh đạt 70,36 điểm). Vì thế, ông Trần Ngọc Nam cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác nên phấn đấu đến cuối năm 2020 chạm gần hơn đến điểm số 100.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, để tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho DN. Phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến cấp độ 3, 4; thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và giải quyết đúng hạn. Thời gian thông quan hàng hóa dưới 5 giờ 15 phút đối với hàng hóa xuất khẩu, 21 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Hà Nội cũng sẽ công khai, minh bạch hóa thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, DN…
Những vấn đề trên cho thấy, các địa phương phải "chạy đua" không ngừng nghỉ. Theo các chuyên gia, điều này cần sự vào cuộc của nhiều bên, chính quyền nỗ lực đặt ra các kế hoạch, định hướng cụ thể, nâng cao trách nhiệm vì DN; chính quyền địa phương và DN phải hợp tác, tìm cách hiểu nhau hơn, cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Theo Hương Dịu
Hải quan