Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng từ lâu luôn được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt với những ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm, những điểm du lịch tâm linh độc đáo và ý nghĩa.
Nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016, xin điểm lại những địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng hàng đầu tại Hải Phòng để người dân và du khách đi lễ cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.
1. Đền Nghè (Quận Lê Chân)
Đền Nghè tức An Biên cổ miếu toạ lạc ở phố Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng. Đền Nghè hiện nay được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, là di tích lịch sử cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1975. Đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đây là một quần thể kiến trúc dân tộc mang phong cách thời Nguyễn gồm hậu cung, nhà thiêu hương, tả vu, hữu vu, nhà bái đường, nhà bia, tam quan… Ngoài đền thờ chính, di tích đền Nghè còn có điện Tứ phủ. Điện nhìn ra phố Lê Chân thông qua cổng chính. Cổng đền Nghè thực sự là một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp và hoành tráng như cổng các cung điện, lăng tẩm, đền đài thời trung cổ.
2. Chùa Dư Hàng (Quận Lê Chân)
Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự) được xây dựng từ thời Tiền Lê (980-1009) theo kiến trúc cổ với tam quan, Phật điện, nhà Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà phương trượng, tăng xá. Cuối thời Vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khai sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225-1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập cũng đã có mối quan hệ với chùa.
Vào các đời Vua Lê Gia Tông (năm 1672) và Vua Thành Thái nhà Nguyễn (năm 1899), chùa được trùng tu lại, bổ sung thêm gác chuông. Năm 1917, chùa được xây thêm thư các, vườn tượng, sửa sang vườn tháp và kiến trúc chùa được duy trì cho tới ngày nay.
3. Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Huyện Vĩnh Bảo)
Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1991.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh ra trong một gia đình vọng tộc tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Năm 1535, ông thi đỗ Trạng nguyên và ra làm quan cho nhà Mạc, giữ chức Tả thị lang.
Năm 1543, trước cảnh quan lại lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng trảm sớ đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử. Học trò của ông nhiều người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền…
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”.
4. Khu di tích đền, chùa Tràng Kênh (Huyện Thủy Nguyên)
Khu di tích đền, chùa Tràng Kênh (xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một quần thể bao gồm 3 ngôi đền và 1 ngôi chùa theo dòng Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ của Việt Nam.
Ngôi đền đầu tiên trong quần thể di tích Tràng Kênh là đền thờ đức vua Lê Đại Hành. Đây là vị vua của triều Tiền Lê, đã có công đánh thắng quân Tống xâm lược tại dòng sông Bằng Đằng vào năm 981. Nổi bật nhất trong quần thể di tích Tràng Kênh là đền thờ Hưng Đạo Đai Vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi đền được xây dựng hướng ra dòng sông Bạch Đằng và ngọn núi U Bò, nơi trước đây Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Nhà Trần đánh tan quân xâm lượng Mông Nguyên vào năm 1288 bắt sống đại tướng Ô Mã Nhi. Ngôi đền thứ ba trong quần thể đền Tràng Kênh là đền thờ vua Ngô Quyền, người đã có công đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, xóa bỏ ách đô hộ của phong kiến phương Bắc hơn 1000 năm, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc.
Trong quần thể di tích Tràng Kênh còn có ngôi chùa Tràng Kênh Trúc Lâm, tọa lạc trên một ngọn núi nhỏ, hướng ra dòng sông Bạch Đằng. Trong chùa là các bức tượng được mạ vàng. Mặc dù chùa có diện tích khá nhỏ, nhưng đây lại là nơi rất uy nghiêm. Điều kì diệu là vào tháng 5/2013, hoa Ưu Đàm – loài hoa trắng muốt linh thiêng trong kinh điển nhà Phật – đã khai nở trên chuông đồng của chùa Tràng Kênh.
5. Đền Bà Đế (Quận Đồ Sơn)
Ðền thờ bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà – Trịnh chúa phu nhân”. Xem thêm về sự tích Đền Bà Đế tại đây.
6. Chùa Tháp Tường Long (Quận Đồ Sơn)
Chùa Tháp Tường Long là một ngôi chùa có từ thời nhà Lý (1010 – 1225), nằm trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, trên đỉnh núi Ngọc, thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Được khởi công phục dựng vào ngày 16 tháng 1 năm 2010, đến nay, quần thể Chùa Tháp Tường Long đã hoàn thành giai đoạn 1. Cụm chùa Tháp tọa lạc trên mặt bằng gần 2000 m2 ở đỉnh núi Ngọc, với 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà tam bảo. Đặc biệt, chuông chùa nặng 1000 kg mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc. Phần móng của tháp Tường Long với kiến trúc 9 tầng cũng được hoàn thiện. Bên cạnh đó là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô cùng giá trị với các chi tiết, nguyên liệu, hoa văn làm từ gỗ, đá, ngói, gạch từ thời Lý.
7. Chùa Đỏ (Quận Ngô Quyền)
Ngôi chùa cổ Linh Độ Tự – tên thường gọi là chùa Đỏ đã được sửa chữa nhiều lần với quy mô ngày một mở mang. Theo bia ký của chùa hiện còn ghi việc sửa chữa lớn vào năm Đinh Dậu – Quý Mão (1717-1723) đời vua Lê Dụ Tông và trùng tu năm Tự Đức 32.
Chùa Đỏ xưa toạ lạc trên khu bãi bồi cao gần bờ sông, do dân làng dựng thờ Phât, cầu Như Lai độ cho linh hồn những người xấu số chết trôi dạt vào bờ. Cô hồn từ đó có nơi nương tựa, chùa nổi tiếng linh ứng. Tên Linh Độ có xuất xứ từ đó.
Hiện nay, chùa Đỏ cao tới 26m, chùa được chia làm ba cung chính – phía ngoài là mặt Tiền Đường, ở giữa là Trung Đường, phía sau là Hậu Cung.
8. Cây đa 13 gốc (Quận Ngô Quyền)
Cây đa 13 gốc là chốn linh thiêng nổi tiếng tại Hải Phòng. Cây đa ngự ở vị trí xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Tương truyền khi xưa Chúa năm phương cùng 2 cô hầu cận hay đi xe kéo lúc nửa đêm dạo quanh vùng đất Hải Phòng, cây đa 13 gốc là nơi chúa bà dừng chân cuối cùng. Người dân thấy sự linh thiêng nên dưới gốc đa nên lập 1 ngôi miếu nhỏ thờ Chúa Bà, quanh năm hương khói. Năm 2014, cây đa 13 gốc đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
9. Chùa Cao Linh (Huyện An Dương)
Theo lịch sử ghi lại thì chùa Cao Linh được dòng họ Lê Văn trong làng Hà Liên xây dựng vào năm nào không rõ, nhưng chỉ biết trong bia đá của chùa có ghi lại niên hiệu trùng tu vào đời Hậu Lê, cách chúng ta hiện nay khoảng chừng hơn 300 năm.
Khuôn viên Chùa Cao Linh hiện nay có diện tích 49.0002, nằm ở phía tây thành phố Hải Phòng, thuộc địa phận thôn Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Trải qua nhiều năm tu sửa và xây dựng, chùa Cao Linh hiện là một trong những ngôi chùa đẹp bậc nhất tại Hải Phòng.
10. Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (Huyện Kiến Thụy)
Khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc đã được khởi công xây dựng tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan vào năm 2009. Hiện nay, khu tưởng niệm có diện tích rộng hơn 10,5 ha đã hoàn thành giai đoạn một. Các công trình nhà Thái Miếu – nơi đặt linh vị hoàng đế Mạc Đăng Dung cùng các công trình Chính điện, Hậu cung đã được phục dựng.
Tại đây có lưu giữ thanh Bảo Long Đao hơn 500 năm tuổi – từng là võ khí của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Đây là một trong hai thanh đao nặng nhất thế giới với trọng lượng 25kg (trọng lượng hiện nay) và ước tính khi chưa bị han gỉ có thể nặng tới hơn 30kg, nặng hơn cả Đại Long đao mà Quan Vân Trường sử dụng.
11. Đền Mõ (Huyện Kiến Thụy)
Đền, chùa Mõ thuộc xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng thờ Quỳnh Trân công chúa, người đã có công khai hoá mảnh đất này. Năm Quí Mùi (1283), công chúa xin vua Trần Thánh Tông cho xuất gia qui y nơi cửa Phật và được chấp thuận. Công chúa đã chọn đất thuộc làng Nghi Dương (thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) làm nơi lập am. Sau đó bà chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng lại thành ngôi chùa Mõ.
Tại đây có cây gạo cổ thụ hơn 700 năm tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đền chùa Mõ vẫn được gìn giữ được những nét đẹp cổ kính. Năm 1991, đền chùa Mõ đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.