2018 là năm ghi dấu những cú cán đích ngoạn mục của doanh nghiệp tư nhân mà điển hình là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ cán đích ngoạn mục vào ngày 30/12 tới.
Nếu lên danh sách những "lần đầu tiên" của khu vực kinh tế tư nhân trong hơn 30 năm Đổi mới ở Việt Nam, đó phải là một cuốn sách dày, được bổ sung không ngừng. Bởi ngay 30/12 này, sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam – Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT với số vốn khoảng 7.700 tỷ đồng sẽ chính thức vận hành.
Toàn cảnh sân bay quốc tế Vân Đồn chuẩn bị khánh thành ngày 30/12 tới.
Đây là sân bay cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sân bay quân sự cấp II và có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới.
Đặc biệt đường cất hạ cánh của sân bay Vân Đồn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho tàu bay hạ cánh an toàn ngay cả khi thời tiết bất lợi. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/ năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn hàng hóa/năm.
Hành khách đến sân bay Vân Đồn trong những ngày tới sẽ thấy nhà ga hành khách được thiết kế ấn tượng, tựa như một "khu resort" với nhiều khoảng xanh mát mắt, nhiều không gian đón nắng và gió trời.
Mái vòm nhà ga Vân Đồn tựa như những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.
Nổi bật là mái vòm nhà ga màu đỏ cam rực rỡ, tựa như những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn. Đặc biệt, màu đỏ cam của phần mái có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết. Đài kiểm soát không lưu cũng được thiết kế tỉ mỉ tiệp màu với nhà ga, phần đỉnh tỏa rộng hình cánh hoa độc đáo.
Theo các chuyên gia NACO (Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan) – đơn vị tư vấn dự án, thì Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn lấy cảm hứng từ chính biểu tượng của vùng biển Quảng Ninh, khiến công trình kiến trúc này mang đậm dấu ấn bản địa và trở thành nhà ga ấn tượng nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.
Chia sẻ đầy từ hào về sự thay đổi mạnh mẽ của hạ tầng giao thông Quảng Ninh với loạt dự án tỷ USD gồm: Sân bay Vân Đồn, chuỗi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long…, ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh từng cho biết "bí quyết" quan trọng nhất nằm ở chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách.
"Các dự án giao thông trên đều được đầu tư đa dạng theo các hình thức BOT, PPP, và đặc biệt là Quảng Ninh cũng xác định kêu gọi những nhà đầu tư lớn, uy tín, tiềm lực mạnh để triển khai các dự án quy mô, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư khác. Chúng tôi đã chọn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược, với việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, rồi nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng khác", ông Diện nói.
Tổng vốn đầu tư của sân bay Vân Đồn lên đến 7.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, để các dự án về đích đúng tiến độ.
Ngay từ đầu, khi tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng sân bay Vân Đồn, nhà chức trách địa phương đã đặt tên cho kế hoạch này là "chiến dịch Quang Trung". Quảng Ninh xác định, trong đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, công tác GPMB luôn được xem là nhiệm vụ khó và cần ưu tiên. "Chiến dịch Quang Trung" với sự vào cuộc của chính quyền và đồng thuận, ủng hộ của người dân, mặt bằng sạch nhanh chóng được bàn giao cho nhà đầu tư triển khai.
Tốc độ nối tiếp tốc độ. Sau "Chiến dịch Quang Trung" của công tác GPMB, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã trở thành dự án sân bay có thời gian thi công nhanh nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.
Tháng 3/2016, sau khi các bản vẽ kỹ thuật đầu tiên hoàn thành, hàng trăm phương tiện máy móc đã tập trung về xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn chính thức đặt những viên gạch đầu tiên cho sân bay.
Chỉ trong hơn 1.000 ngày thi công, ở giữa núi rừng kỳ vĩ của vùng Đông Bắc hôm nay đã hiện lên bề thế một sân bay hiện đại với đường cất hạ cánh dài 3,6km, rộng 45m.
Sân bay Vân Đồn hoàn thành sau 1.000 ngày thi công.
Tốc độ thi công sân bay Vân Đồn khiến chúng ta nhớ đến việc ông Ha Chan Ho – nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam từng ví von sự phát triển của một quốc gia với hình ảnh chiếc máy bay. Khi chạy trên đường băng chỉ cần vận tốc 100km/h, nhưng để cất cánh thì tốc độ phải đẩy lên 270km/h.
"Nghĩa là để cất cánh, bạn phải huy động tất cả năng lượng rồi mới thư giãn sau khi máy bay đã ổn định trên không. Tôi cho rằng trong 20 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn chỉ giữ vận tốc vừa đủ thư giãn để chạy trên đường băng mà chưa chịu tăng tốc để cất cánh", ông chia sẻ.
Nhưng dường như thời kỳ của việc giữ "vận tốc vừa đủ thư giãn" đã qua, khi kinh tế Việt Nam có sự tham gia của các "tay đua" đến từ khu vực tư nhân.
Ngày 30/12 tới, sân bay Vân Đồn sẽ chính thức được khai trương.
Năm 2018 đang đi gần hết những ngày cuối cùng và sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam cũng sắp được cắt băng khánh thành là minh chứng cho sức mạnh của kinh tế tư nhân trong phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch/Tổng giám đốc Investconsult Group từng nhận xét rằng, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một công cuộc cải cách xã hội khổng lồ. Nó động viên, khai mở năng lực và làm bật dậy tất cả tính năng động của người Việt. Giờ đây công cuộc đó cũng đang từng ngày đem lại những kết quả khổng lồ để góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.
Theo InfoNet