×

WELCOME TO PHUC KHANH GROUP!

THIẾU VỐN, HÀNG TRĂM DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI ÁCH TẮC

Đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu...

 

Khó khăn trên được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc sáng 20/5 tới đây.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong những yêu cầu với ngành xây dựng, được nêu tại nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước đến nay đã hoàn thành 198 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 81.700 căn, với tổng diện tích hơn 4.085.000 m2. 226 dự án đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, với tổng diện tích khoảng 9.111.000 m2.

Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đến nay đã hoàn thành 98 dự án, quy mô xây dựng khoảng 40.700 căn hộ với tổng diện tích khoảng 2.035m2.

Chương trình nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 100 dự án với khoảng 41.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính đến tháng 2/2019 đã hỗ trợ được 17.097 hộ trong chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền trung.

Một trong những hạn chế của thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng nhìn nhận là nguồn cung nhà ở đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, bán giá cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30% thị trường tuỳ từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại tỷ lệ này còn nhỏ hơn. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay đang mất cân đối, báo cáo nêu.

Cơ quan quản lý nhìn nhận, giá cả hàng hoá bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Riêng nhà ở xã hội, báo cáo cho biết, từ cuối tháng 12/2016 đến nay, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc.

Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (226 dự án, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn hộ, tổng diện tích khoảng 9.110.000 m2), số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường rất thấp.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội không thuộc danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại nghị quyết 1023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020.

Khó khăn nữa, theo báo cáo là các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của các hộ thu nhập thấp tuy đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được nhà nước hỗ trợ một phần.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ và nhu cầu. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển nhà ở xã hội, chính sách nhà ở cho cán bộ công nhân viên theo tinh thần nghị quyết Trung ương 7 khoá 12, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế cũng nằm trong các giải pháp được nêu tại báo cáo.

Bộ cũng đề nghị Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Biên Tập     07/05/2019
Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: