Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh. Đồng thời, là trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành nghề mới… Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho Vân Đồn phát triển nhanh chóng
Theo quy hoạch tổng thể phát triển KKT Vân Đồn, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 5,6 tỷ USD, đóng góp vào NSNN trên 10% giá trị xuất khẩu. Năm 2050, KKT này thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ.Một góc Khu đô thị Cái Rồng. Ảnh: Đỗ Phương
Đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh
Du lịch gắn liền với khai thác tiềm năng di sản thiên nhiên thế giới, văn hoá truyền thống được chọn là một trong những lĩnh vực phát triển chính của Vân Đồn trong tương lai, với mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách vào năm 2030. Đặc biệt, Vân Đồn cũng sẽ là nơi phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, logistics… để trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá vào khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo quy hoạch, không gian đô thị của Vân Đồn được chia ra 3 phần. Trong đó, không gian đô thị đảo Cái Bầu gồm: Các KKT phía Tây, ven biển phía Bắc; thành phố sân bay – khu thương mại tự do, khu nghỉ mát phức hợp, thị trấn Cái Rồng. Không gian đô thị Quần đảo Vân Hải gồm: Công viên; du lịch nông nghiệp; các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và hòn đảo du lịch trong tương lai. Không gian đô thị trung tâm gồm: Trung tâm hành chính – đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính; khu tái định cư; trung tâm triển lãm văn hoá; khu du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí; cảng biển du lịch và cảng cá, hồ cảnh quan…
Hiện tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục báo cáo Chính phủ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch khu xây dựng KKT Vân Đồn để trình duyệt trong quý II/2019.
Bước chạy đà quan trọng
Có thể thấy, trong những năm qua, Quảng Ninh đã và đang tập trung chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho KKT Vân Đồn trong tương lai, nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam – Trung Quốc. Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược theo hình thức đối tác công – tư.
Vừa chủ động tìm, mời gọi nhà đầu tư đủ lực để có thể làm sân bay và khu du lịch phức hợp có casino trong cùng một lúc, tỉnh vừa tự bỏ ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng làm cơ sở hạ tầng. Không chỉ vậy, trong phạm vi của địa phương, các thủ tục hành chính được rút gọn nhiều lần đã thuyết phục các nhà đầu tư khi đến với Quảng Ninh. Trong giai đoạn từ 2012-2017, tỉnh đã huy động và thu hút trên 57.000 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển.
Du khách tham quan chùa Cái Bầu – điểm du lịch tâm linh ở Vân Đồn. |
|
Hàng loạt dự án, công trình trọng điểm như: Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long – Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã được triển khai. Trong đó, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 30%, còn lại là vốn ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc kết nối Vân Đồn với các địa phương khác cũng có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng đã đưa vào từ 1/2/2019; dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80,2km với tổng mức đầu tư 12.650 tỷ đồng cũng sẽ triển khai trong năm 2019.
Ngoài ra, nhiều dự án như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đông Xá (Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông); dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu dân cư thị trấn Cái Rồng (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vương Long); dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Ocean Park (Công ty TNHH Quan Minh); dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Đài Sơn (Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đài Sơn) cũng đang được triển khai tại Vân Đồn.
Không dừng lại ở đó, hiện có rất nhiều dự án du lịch được đầu tư vào Vân Đồn, xứng tầm một KKT năng động, hiện đại. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Tổ hợp du lịch Sonasea Dragonbay (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 4.950 tỷ đồng; dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas (quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao), tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; dự án tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn, gồm 9 phân khu chức năng có số vốn đăng ký là 5.000 tỷ đồng; khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng…
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng dành sự quan tâm, tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu cho Vân Đồn. Năm 2015, tỉnh đã hoàn thành việc đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt xấp xỉ 100%. Có điện lưới quốc gia, đời sống của quân và dân trên các đảo đã thay đổi nhanh chóng, nối gần khoảng cách giữa các đảo và đất liền. Đến nay, hệ thống cấp điện trên toàn bộ đảo Cái Bầu và 5 xã đảo về cơ bản đủ điều kiện đáp ứng, phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn KKT.
Việc xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh có ý nghĩa rất quan trọng trong mở cửa hướng ra biển không chỉ của riêng Quảng Ninh mà mở rộng ra cả khu vực phía bắc, theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông – Bắc Á. Đồng thời tạo động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thật sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc.